Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

NGHIỆP DUYÊN



 Quan điểm giáo lý Phật học là làm thế nào để nhận thức sự an ổn về phần tâm linh trong một thế giới đầy quyến rũ và tham muốn, truy cầu vật chất.  Ngoài những thứ cần trong cuộc sống, chúng ta còn cần những chất liệu để làm cho tinh thần chúng ta được đầy đủ về mặt kiến thức, đạo đức và hoan hỷ, và khi trau dồi về tâm linh như vậy là chúng ta đang sống trong thiền đường.  Phật giáo là một nghệ thuật sống thiết thực và lợi ích cho chúng sanh ngay trong hiện tại.  Nếu như cuộc sống không còn khổ đau thì cái tư duy của đạo Phật, cái an lành của giác ngộ, sự bình tỉnh và an ổn của những pháp tu thiền định sẽ không có giá trị và không thể tồn tại được.  Do đó đạo Phật không thể nào tách rời khỏi cuộc sống của loài người.  Những vị A La Hán thời xưa rất lấy làm khổ đau nếu trước khi họ chết mà chưa chứng được tứ thiền để nhập Niết Bàn với quả vị A La Hán bởi vì sở nguyện của họ là đạt được thắng trí vô sanh tức là không còn sanh tử nữa mà khi lên cảnh giới trời thì rất là khó tu vì quá sung sướng và hưởng hết phước thì bị đọa lạc trở lại cảnh khổ đau.  Khi đọc bài Kinh Sám Hối, chúng ta thường thấy đoạn “Nay con phát tâm chẳng vì cầu phước ở cõi nhơn, thiên, Thanh Văn, Duyên Giác nãi chí đại thừa, duy chỉ có quy y tối thượng thừa và phát Bồ Đề tâm để thành tựu chánh đẳng chánh giác”, và đây là mục tiêu chính của những vị A La Hán.

 Trước khi muốn tu tập chúng ta phải biết cái gì tạo nên những khổ đau và những gì sẽ chấm dứt khổ đau.  Chúng ta nên hiểu rõ về nghiệp duyên có nghĩa là thế nào là nghiệp và thế nào là duyên. 

 Nghiệp

·          Cái mà con người chúng ta đang cưu mang để có thân người gọi là nghiệp, và nói theo đạo Phật là những gì mà đã tích tựu bởi ba yếu tố căn bản trong quá khứ, hiện tại và vị lai.  Trong tương lai nghiệp là năng lực dẫn chúng ta đi vào một thế giới nào đó tùy theo những việc chúng ta làm. 

·          Nghiệp hoặc karma là hành động tạo tác do thân, khẩu và ý.  Ba yếu tố này kết hợp lại thành năng lực ác hoặc thiện tùy theo nghiệp ác hoặc nghiệp thiện đã tạo nên.

·          Khi tướng hiện lên là do cái nghiệp tích tựu tạo thành, thí dụ như đức Phật đi đến đâu mỗi người đều quí mến, kính trọng là vì ngài đã từng gieo nhân quả tốt, công ơn rất lớn với nhiều người trong nhiều đời, nhiều kiếp cho nên mỗi người đều nghe theo lời Phật dạy.

·          Nhân tố của nghiệp là liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, và hiện tại định hướng cho tương lai.  Cho nên chúng ta có thể chuyển nghiệp xấu thành tốt, nghiệp bất thiện thành thiện.  Chúng ta có thể công phu từng phần một để chuyển dần những thói xấu chẳng hạn như là chuyển khẩu nghiệp thì chúng ta cố gắng tập ngưng lại những lời nói xấu.  Phật nói: "Đùa cười gây nên ác, thân đã tạo nghiệp rồi sẽ khóc thân thọ báo, tội đến theo hành vi" có nghĩa là thân làm, khẩu nói, ý tưởng một cách đùa chơi mà không biết là đã chạm đến vị A La Hán chẳng hạn thì sẽ tạo thành thân sanh tử cho chính mình.  Ông Nguyễn Du nói rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân thì cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa. Thiện căn bởi tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.  Tu là chuyển nghiệp của cái tâm và khi tâm đã chuyển thì tài ba không có giá trị gì cả bởi vì kiến thức càng nhiều mà thiếu thốn phần đạo đức tâm linh thì không trở thành người lương thiện được.

·          Khi nhân chưa gieo thì chúng ta là chủ nhân, nhưng khi nhân đã gieo rồi thì chúng ta trở thành thừa tự của cái quả kết tựu.  Quan trọng nhất của người học Phật là chuẩn bị những nghiệp nào chúng ta gieo và trong thời điểm nào tức là khi chưa đúng thời, chưa đủ duyên thì không gieo nhân.  Như vậy, nghiệp không gieo ra thì không có thành tố và không đủ duyên thì không có kết quả.  Do đó khi chúng ta làm chủ vấn đề thì tất cả đều tùy thuận vào chúng ta và ngược lại nếu để tất cả mọi thứ bên ngoài làm chủ thì chúng ta phải tùy thuận vào nó.

·          Khi kiểm soát được nghiệp nhân thì sẽ lãnh thọ được nghiệp báo an toàn theo như ý muốn.  Những việc làm, lời nói nào chưa đem đến cho người khác niềm hạnh phúc, an ổn thì chúng ta phải sửa dần dần.  Đức Phật đã từng tu 100 kiếp để sửa cái miệng tức là nói sao cho chính xác và hợp thời cơ.  Khi chúng ta nhận thức rằng nghiệp báo, nhân và quả là do chính chúng ta điều khiển thì chúng ta mới có thể sửa được và đó là tu.  Tu sửa cho đến khi nào mà “Miệng ta là cánh hoa sen, mỗi khi hé nở một phen thơm lừng.  Tiếng ta là gió mùa xuân, một phen thổi nhẹ muôn dân mát lòng.”

·          Chúng ta có thể từ từ chuyển từng nghiệp một, chuyển nghiệp thân, nghiệp ý và nghiệp khẩu.  Cái chúng ta nên chuyển trước hết là nghiệp khẩu, rồi đến nghiệp thân và sau cùng là nghiệp ý.  Khó khăn nhất là chuyển ý nghiệp bởi vì tâm tư chúng ta rất là rắc rối theo như câu nói:

“Con người cái ý vốn hai,


Khi mừng khi giận đổi thay không lường,


Vội vàng khi ghét khi thương,


Khi vui thì vui ngất,


Khi buồn thì buồn hiu.


Muốn ưa tạo sắm đủ điều


Rồi khi chê chán bỏ liều như chơi.”


·          Chúng ta phải có công phu, phải biết huấn luyện tâm thức có nghĩa là làm thế nào để tâm thức được tồn tại và làm thế nào để hóa giải những khó khăn của tâm một cách tế nhị.  Nhân tố của khổ đau là nghiệp, cho nên những vị A La Hán hiểu được rằng quá trình trung gian giữa hai đối tác gặp nhau tạo thành nghiệp, cho nên vì vậy bản thân của chính họ và người đem đến động tác khổ đau không là chủ động.  Bởi hiểu được như thế, những vị A La Hán có thể chịu đựng và hóa giải làm cho nghiệp tan biến đi mà không tạo tác thêm nghiệp mới.  Như thế, nếu chúng ta có nghiệp thì chúng ta sẵn sàng trả khi nghiệp đến mà không gây nên một cái ý thức hệ, không trồng hạt giống thứ hai trong cái nghiệp của mình.  Người Phật tử chúng ta thường than van khi nghiệp vừa mới khởi lên, chúng ta không muốn trả nghiệp đó và kiếm cách chống trả.  Vì không hóa giải được nghiệp cho nên nó trở thành một lực tác làm cho chúng ta khổ đau và đồng thời chúng ta chống lại cái khổ đau đó bằng cách đổ thừa người khác làm cho mình khổ đau.  Cả hai đối tác (trung gian là nghiệp) đều không muốn xung kích để gây khổ đau cho nhau, nhưng vì cái động lực của quá khứ tạo nên để một bên đòi nợ và một bên phải trả nghiệp, cho nên kết quả là khổ đau.  Để hóa giải, chúng ta phải nghĩ rằng người đem đến sự khó khăn cho mình là do nghiệp chứ nhân bản của họ không muốn làm khổ mình và đối tác là chính mình hiện tướng nghiệp lên để họ tìm cách làm cho mình khổ đau.  Hiểu như vậy rồi thì khi nghiệp đến chúng ta nên chịu đựng và chận đứng hoặc chuyển nghiệp bằng cách đừng để cho nó trở thành tác động phiền não về phía mình hoặc về phía đối phương. 

·          Nguyên tắc đầu tiên để hóa giải nghiệp là khi chủ định được tâm thì tâm sẽ không tác thành lời nói và hành vi, do đó ý nghĩ trong tâm được giữ kín để rồi từ từ hóa giải chứ không trở thành ưu sầu, phiền não, sân hận.

Duyên

·          Chữ duyên rất có nhiều nghĩa, chẳng hạn như là duyên nợ, phụ tá duyên hoặc tùy thuận duyên, có duyên, vô duyên, và tất cả đều có liên hệ đến cái nghiệp của mỗi người.  Vị Tỳ Kheo thời xưa khi ôm bình bát đi khất thực được gọi là hóa duyên có nghĩa là đem hành vi tốt của họ làm ruộng phước điền để người khác trồng thiện nghiệp.  Tuy nhiên cả đôi bên đều phải đồng tu và quyết tâm tu trong thiện duyên này.  Vị Tỳ Kheo sau khi nhận của cúng dường thì phải tinh tấn hơn nữa để đem giáo pháp trả nợ lại cho tín đồ Phật tử.  Ngay cả đức Phật cũng nói rằng ngài phải trả nợ chúng sanh cho nên sau khi thành đạo ngài trở lại độ chúng sanh.

·          Ruộng phước điền thể hiện trên tấm y những vị Tăng, Ni khoác trên người cho nên khi tín chủ cúng dường là họ kết thiện duyên và những vị mặc “phước điền y” là phải làm thế nào để tạo nên những quả báo tốt đẹp để trả nợ tín chủ.

·           Trong lúc thọ trai, Tam Đề được tụng lên để nguyện dứt ác, tu thiện, từ bi độ chúng sinh, còn Ngũ Quán là để tưởng đến món ăn cúng dường dùng để nuôi thân này làm lợi ích chúng sinh, tưởng đến công ơn cực khổ của nông phu, đàn na tín thí, v..v…Nói chung là những vị tu sĩ phải tinh tấn tu hành và đem khả năng cùng những giáo lý học được đó để giáo hóa làm lợi ích chúng sinh, và đây là trả nợ trong chánh pháp.

·          Người ở đời vì duyên nợ mà đến với nhau thì phải trả hết nợ cho nhau mà không thể nào trốn tránh được.

                  Phật nói rằng:          


   “Phi không phi hải trung


    Phi ẩn sơn thạch giang,


    Mạc năng vi thử xứ,


   Tỵ miền túc ác ương


Có nghĩa là dù ở trên hư không hoặc biển cả hoặc núi đá xa xôi, không nơi nào ta tránh được quả ác nghiệp đã gây rồi.

Chúng sanh hữu khổ não


    Bất đắc miễn lão tử


    Di hữu nhân trí ngã


    Bất niệm nhân tri ác.”


Dịch là: “nếu chúng sanh bị não hại, lão tử nghiệp đã vay, bậc bi trí giải thoát, không nhớ lỗi lầm ai” có nghĩa là cái tâm của người trí không kết đến lỗi lầm và khổ đau của người khác thì lúc đó chủng tử tâm không có, do đó không tạo thành nghiệp nhân thì nợ không đòi.

 Phật nói: “Nếu một người nông dân có lòng tin Phật và nghĩ rằng phải cầu xin Phật để ruộng lúa được nhiều nhưng hột giống thì không lựa, bò thì không cày, và ruộng thì không gieo.  Như vậy người nông dân đó có thâu hoạch được không? Dĩ nhiên là không.”  Không phải vì tin Phật pháp một cách cuồng tín mà có thể hóa giải được nợ cũ của mình, ngoại trừ mình phải biết thật tướng của nó là thừa tự của kết quả những gì mình đã tạo trong quá khứ.  Để hóa giải nghiệp thì chính mình phải đối diện với nó, bởi vì chỉ khi nào chính mình là chủ nợ thì chúng ta mới có quyền cho nợ, mới tự do quyết định được. 

Bài thơ “Đôi Dép”:

Bài thơ đầu Anh viết tặng Em

Là bài thơ Anh viết về đôi dép

Khi nỗi nhớ trong lòng da diếc

Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp gở tự bao giờ

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nữa bước

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược

Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao

Cùng chia xẻ sức người chà đạp

Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác

Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi

Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng

Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết

Hai chiếc nầy chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những phút vắng nhau

Bước hụt hẵng cứ nghiêng về một phía

Dẫu bên cạnh đã có người thay thế

Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Ðôi dép vô tư khắng khít bước song hành

Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối

Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội

Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên những bước đời

Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái

Nhưng Anh yêu Em bởi những điều ngược lại

Gắn bó đời nhau bởi một lối đi chung

Hai mãnh đời thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.

Nghiệp duyên và nợ đi đôi giống như ngụ ý của bài thơ “Đôi Dép” tức là rất bình thường, giản dị không có gì là đạo đức xa vời cả.  Cũng vậy, những bài Kinh, bài pháp mà chúng ta học đừng nên coi là những cái gì cao siêu mà nên đem vào cuộc sống để hóa giải nó, hòa nhập nó vào từng bước đi của mình thì lâu dần chúng ta biến nó trở thành kỳ diệu.  Khi chúng ta có nổ lực, có sức mạnh của tự tin, của thiền định thì mọi hành động, lời nói, ý nghĩ, mọi tiếp xúc biến thành giới, định, tuệ, và đó là tu, là chứng.  Chúng ta đặt ý niệm vào trong mọi vấn đề và chuyển thành sức mạnh, nhưng với điều kiện là đi vào con đường thiện thì mới có thể trở thành những hạnh phúc trong tương lai.  Do nghiệp duyên mà người nào đó làm cho chúng ta khổ đau, và khi hiểu chính xác rồi dụng công để hóa giải nó thì ngay trong đời này chúng ta từ bỏ được nghiệp của mình.  Ngay trong hiện tại chúng ta phải làm thế nào để có đủ sức mạnh hóa giải những nghiệp duyên vì nếu không chúng ta sẽ mãi lẩn quẩn trả nghiệp từ đời này sang đời khác.  Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ cảm nhận được sức mạnh của chúng ta liên hệ giống như là đôi dép vậy.  Đôi dép có những hạnh phúc bên nhau mà không hề gây khổ đau bởi lý do thứ nhất là nó vô tư, thứ hai là nó không phân biệt nhân, ngã, bỉ, thử cho nên nó không có khổ đau.  Sau một thời gian đồng hành và một chiếc dép bị mất đi thì mọi thay thế đều không có giá trị.  Cũng vậy, trong đời sống vợ chồng hoặc những người thân mà chúng ta kết hợp được và song hành bước trên con đường thiện thì điều đó rất là quí và đúng nghĩa với bài thơ “Đôi dép”.(Thích Minh Hiếu)